Thêm cơ hội xuất khẩu yến thô Việt Nam sang thị trường tỷ dân
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm tới 80% lượng tiêu thụ toàn cầu. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu tổ yến lớn nhất, với nhu cầu ngày càng tăng.
Ngày 9/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, về yêu cầu kiểm dịch và vệ sinh thú y đối với tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu tổ yến thô từ Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi chim yến và chế biến tổ yến trong nước.
Việc mở cửa thị trường cho yến thô sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thế Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang, cho biết: Việc ký kết Nghị định thư là bước ngoặt lớn, mang lại cả cơ hội và thách thức cho ngành yến Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể nhập khẩu yến thô, chế biến thành sản phẩm tinh sạch và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm yến sạch của Việt Nam ngay tại thị trường Trung Quốc.
Hiện tại, chỉ Malaysia được phép xuất khẩu yến thô vào Trung Quốc, trong khi Indonesia và Thái Lan chưa được cấp phép. Indonesia cũng bị hạn chế về sản lượng xuất khẩu. Do đó, việc mở cửa thị trường cho yến thô sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Hòa cho biết thêm: Dù yến tinh sạch đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng khả năng cạnh tranh vẫn yếu hơn sản phẩm từ Indonesia và Malaysia. Do đó, việc có thể xuất khẩu yến thô sẽ giúp tăng sản lượng xuất khẩu và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với yến thô của Malaysia, Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng, vì chất lượng tổ yến phụ thuộc vào kỹ thuật và quy trình nuôi.
Tổ yến được ví như "vàng trắng", và để đáp ứng thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần xây dựng nguồn nguyên liệu thô bền vững, tuân thủ các quy chuẩn chăn nuôi và kiểm tra định kỳ. Việc liên kết với các hộ nuôi trong chuỗi sản xuất là điều cần thiết.
Việc ký kết Nghị định thư là bước tiến quan trọng, nhưng để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác và khách hàng. Trong giai đoạn đầu, khi chưa có thị trường ổn định, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư lớn cho việc kiểm nghiệm và giám sát dịch bệnh.
Vì vậy, bên cạnh việc triển khai các yêu cầu trong Nghị định thư, doanh nghiệp mong muốn cơ quan nhà nước có chính sách hỗ trợ ban đầu – đặc biệt là về chi phí kiểm nghiệm và xét nghiệm – để giảm gánh nặng tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu tổ yến.