Hà Nội: Nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch
Làng nghề truyền thống được ví như “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Là vùng đất hội tụ tinh hoa, nét độc đáo của muôn nghề, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để các làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, nghề thủ công truyền thống, góp sức tích cực cho công cuộc bảo tồn, phát triển các tinh hoa, giá trị cổ truyền trong nhịp sống hiện đại.
Những điểm sáng phát triển du lịch làng nghề
Trung tâm gốm lò Bầu, làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) mỗi ngày cuối tuần tiếp hơn 500 lượt khách đến trải nghiệm hoạt động "Tôi làm nghệ nhân".
Chăm chú, tỉ mẩn bên chiếc bàn xoay, với sự hướng dẫn tận tình, chi tiết từ những nghệ nhân làng nghề, chị Dương Thu Trang đã dần làm được một chiếc cốc gốm từ phần đất sét thô sơ ban đầu.
Thú vị, hào hứng với trải nghiệm như một người thợ gốm, chị Trang chia sẻ: “Mình rất yêu thích đồ gốm và luôn tò mò không biết để làm ra một chiếc cốc, bình hoa thì người thợ đã phải kỳ công như thế nào trong quá trình nặn, vẽ lên gốm. Và hôm nay đến với Bát Tràng, trực tiếp trải nghiệm việc nặn gốm, mình đã cảm nhận rõ hơn về nghề gốm cũng như tâm huyết, sự tài hoa của những người thợ gốm Bát Tràng. Điều này thực sự rất thú vị. Mình cũng rất vui khi đi trải nghiệm lại có được sản phẩm mang về để làm kỷ niệm nữa…”.
Mô hình du lịch trải nghiệm "Tôi làm nghệ nhân" tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách khi đến làng gốm Bát Tràng
Tại Bát Tràng, mô hình du lịch trải nghiệm "Tôi làm nghệ nhân" là một trong những điểm thu hút du khách khi đến làng gốm cổ. Đây cũng được đánh giá là cách làm khá chuyên nghiệp của làng nghề khi khai thác đặc trưng của nghề thủ công truyền thống để trở thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch làng nghề.
Bát Tràng cũng được ghi nhận là điển hình của Thủ đô Hà Nội với những tiên phong trong xây dựng các mô hình tham quan, trải nghiệm ngay tại làng nghề. Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh cho biết: "Khi đến với làng gốm Bát Tràng, bên cạnh những không gian để du khách trải nghiệm nghề làm gốm, chúng tôi còn có những công trình văn hóa – kiến trúc độc đáo, là biểu tượng cho nghề truyền thống của làng để du khách đến tham quan, check-in. Đó là làng cổ, đình làng và Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt".
Điều đáng mừng tại Bát Tràng, bên cạnh mối quan tâm giữ gìn nghề truyền thống là tinh hoa của cha ông truyền lại, các nghệ nhân, người dân Bát Tràng còn có một mối quan tâm khác là làm sao để ngôi làng của mình trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa. Tư duy làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp đã dần định hình trong nếp sống, sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân nơi đây.
Để đưa Bát Tràng trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch của Thủ đô, bên cạnh tư duy nhạy bén, sáng tạo, chuyển động tích cực của người dân, cộng đồng nghệ nhân, doanh nhân làng nghề, không thể không nói đến sự đồng hành của chính quyền địa phương trong định hướng, hoạch định các chính sách phát triển, hỗ trợ, khuyến khích làng nghề làm du lịch.
Điển hình là 5 năm qua, Gia Lâm đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Thông qua đề án này, việc tu bổ di tích, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến du lịch, trong đó việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch làng nghề đã được chú trọng đặc biệt, khai thác hiệu quả. Ngoài làng gốm Bát Tràng, các làng nghề truyền thống khác như Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp, gốm sứ Kim Lan đều đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tới khám phá, trải nghiệm.
Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Huyện xác định du lịch văn hoá - làng nghề là một trong những loại hình du lịch trọng điểm của địa phương. Chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, chủ động phối hợp, kết nối, hình thành các tour, tuyến du lịch… Nhờ đó, mỗi năm có khoảng 650.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm tại Gia Lâm. Trong đó du khách đến với làng nghề ngày càng tăng cao”…
Điểm du lịch xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm không gian làng quê và hoạt động làm nông nghiệp
Còn tại huyện Thường Tín, địa phương có tới 126 làng nghề, trong đó 50 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội, 4 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch. Phát huy thế mạnh và tiềm năng vốn có, Thường Tín đã và đang tập trung đẩy mạnh liên kết các địa phương có lợi thế về du lịch, đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch trên địa bàn để phát triển mô hình du lịch làng nghề.
Điển hình, tại Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, những năm qua đã đón hàng nghìn lượt du khách về nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm hoạt động làm vườn, trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh…
Bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch
Theo thống kê, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề; hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Tới nay, Thành phố đã công nhận 337 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.
Với xu hướng loại hình du lịch trải nghiệm tại các làng nghề đang ngày càng phổ biến, đây được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô. Hơn nữa, phát triển du lịch làng nghề sẽ mang lại lợi ích kép về kinh tế, vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, vừa thúc đẩy các hoạt động gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Để khai thác, phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững, nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của làng nghề, Hà Nội đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Trong đó, Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề và xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, khẳng định thủ công mỹ nghệ là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa, là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo, du lịch văn hóa. Thủ đô cũng xác định: phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi tất yếu để vừa giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Từ Nghị quyết và Đề án xương sống này, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch, phát triển du lịch văn hóa làng nghề, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch làng nghề; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo hướng bền vững…
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (làng dệt Phùng Xá, Mỹ Đức) giới thiệu đến du khách kỹ thuật làm lụa tơ sen
Theo Lãnh đạo Sở Du Lịch Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, đơn vị đã ban hành, triển khai các Kế hoạch, chương trình nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Điển hình là tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”, đưa du khách khám phá, trải nghiệm các di tích lịch sử, làng nghề của khu vực Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Hay tuyến du lịch từ Trung tâm Hà Nội đến Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên với điểm nhấn là chương trình “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” cũng đang tạo sức hút cho du khách quốc tế…
Để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch làng nghề, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; bồi dưỡng kiến thức về mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kỹ năng ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân tại làng nghề, để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.
Sở cũng khuyến khích các đơn vị lữ hành phối hợp cùng phát triển du lịch; thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa cho hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch văn hóa làng nghề, điểm đến của làng nghề.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã tích cực tham mưu cho TP. Hà Nội chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Du khách tham quan điểm trưng bày sản phẩm OCOP, làng nghề của Hà Nội
Còn đối với Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tham mưu cho thành phố xây dựng được 16 Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời thường xuyên tổ chức các Trưng bày, Triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội; hỗ trợ nhiều cơ sở làng nghề thiết kế hàng trăm mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, trong đó có các mẫu sản phẩm làm quà tặng du lịch…
Khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển các nhóm ngành hàng dịch vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các quận, huyện rà soát các làng nghề có tiềm năng khai thác du lịch để quy hoạch, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề, tạo sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề. Mới đây, sự kiện làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới ghi danh vào Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu đã mở ra những cơ hội mới để những không gian thủ công truyền thống Việt Nam trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Đoàn đại biểu Hội đồng Thủ công thế giới tham quan xưởng sản xuất sản phẩm mây tre đan tại Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch theo hướng bền vững, đầu năm 2025, Hà Nội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Đề án, giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội phấn đấu phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm. Đến năm 2050, phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 20 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm…
Với những tiềm năng sẵn có, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các sở ngành, đơn vị, sự sáng tạo, nỗ lực của cộng đồng nghệ nhân, doanh nhân và người dân sẽ là đòn bẩy đưa du lịch làng nghề Hà Nội tiếp tục khởi sắc. Từ đó, mỗi làng nghề trở thành đến hấp dẫn cho những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, nghề thủ công, góp sức tích cực vào công cuộc bảo tồn, phát triển các tinh hoa, giá trị văn hoá truyền thống trong nhịp sống hiện đại.