Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2025 – 2030): Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới
Chiều ngày 19/04/2025, tại Cung Trí thức Thành phố Hà Nội, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
TS. Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Đại hội vinh dự có sự hiện diện của bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ; TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ và chuyển đổi số; TS. Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ủy viên ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế; TS. Nguyễn Hữu Dũng - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ Quốc Hội; Ông Nguyễn Túc - Uỷ viên đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện Văn hoá xã hội của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, nguyên Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội...
Các đại biểu dự Đại hội thực hiện nghi thức chào cờ.
Về phía Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam có TS. Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam; Các Phó chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam: Bà Vũ Thị Hoài Thanh, nhà báo Cảnh Chí Tuyên, bà Nguyễn Thụy Oanh, bà Phan Tuyết Minh, ông Võ Vũ Bình, ông Nguyễn Văn Quân, bà Mai Thị Thùy; Các Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam; Bà Lù Thị Nghị, Tổng thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam và các Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Giám đốc các văn phòng đại diện, các Viện, Trưởng ban, các nghệ nhân, các hội viên của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển đạo Mẫu Việt Nam.
Tại Đại hội, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam nhận được nhiều lời chúc mừng, những lẵng hoa tươi thắm từ các đồng chí lãnh đạo, các ban ngành, các doanh nhân, nghệ nhân, doanh nghiệp, các văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc.
Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nơi hội tụ những bàn tay tài hoa, những trí tuệ sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước. Mục tiêu của Hội là đoàn kết tập hợp, giúp đỡ các nghệ nhân và những người hoạt động trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội để phát triển thương hiệu, nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trải qua hai nhiệm kỳ hoạt động, Hội đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu Việt. Hội cũng đã tổ chức hàng loạt các chương trình truyền thông, hội chợ, diễn đàn… tạo được hiệu ứng lan tỏa trên toàn quốc. Đó là, Hội chợ triển lãm “Tự hào Thương hiệu Việt Nam”; chương trình truyền thông “Vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc”; chương trình “sách và cuộc sống”; chương trình Gala kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam, tôn vinh nữ hoàng thương hiệu; chương trình “Vì một Việt Nam thịnh vượng” và phối hợp với Hội Mỹ nghệ Kim hoàn & Đá quý Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển đạo Mẫu tổ chức thành công nhiều sự kiện “Vinh quang trí tuệ bàn tay vàng – Tự hào thương hiệu Nam”…v/v.
Đồng thời, Hội đã tham gia tích cực công tác thiện nguyện vì cộng đồng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” “Lá lành đùm lá rách”. Hội nêu cao tinh thần thiện nguyện trong cán bộ hội viên, nghệ nhân, doanh nhân trong cả nước. Tiếp tục ủng hộ tích cực các hoạt động của Ban, Bộ, Ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong các phong trào “Ngày vì người nghèo Trung ương”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Đại hội đã tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới và bầu Ban Chấp hành khóa III. Đây cũng là dịp để kết nối, lan tỏa tinh thần đoàn kết – sáng tạo – phát triển bền vững trong cộng đồng nghệ nhân và doanh nhân cả nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp, phụ trách theo dõi Tổng Hội, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ phát biểu tại Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, TS Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo mẫu Việt Nam nhấn mạnh: “Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam mang trên mình sứ mệnh kép: gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua bàn tay và trí tuệ của các nghệ nhân; đồng thời là cầu nối phát triển thương hiệu Việt, nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Chúng tôi trân trọng những nghệ nhân – những người thợ tài hoa, lặng lẽ gìn giữ những tinh hoa nghề cổ. Chúng tôi tự hào về những doanh nhân – những người đang từng ngày xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu bằng trí tuệ, sự kiên định và khát vọng vươn lên”…
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, TS Lê Ngọc Dũng cũng chia sẻ thêm: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế – xã hội toàn cầu, nhưng Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã có nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức các chương trình tôn vinh nghệ nhân, tôn vinh thương hiệu Việt uy tín; Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, truyền thông sản phẩm và thương hiệu Việt đến cộng đồng trong và ngoài nước; Phối hợp đào tạo, truyền nghề, phát hiện và bồi dưỡng các nghệ nhân trẻ – những người sẽ kế tục và phát triển các giá trị nghề truyền thống. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hoạt động Hội còn phân tán, chưa đồng bộ; nhiều nghệ nhân vẫn chưa được hỗ trợ đúng mức; công tác xây dựng thương hiệu vẫn gặp nhiều rào cản về thị trường, pháp lý và truyền thông.
Phát biểu tham luận với chủ đề “Nâng cao hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền góp phần phát triển Hội Nghệ nhân & Thương hiệu Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, nhà báo Cảnh Chí Tuyên – Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cho biết: “Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, có thể nói các hoạt động của Hội đều tuân thủ pháp luật và Điều lệ Hội đã đề ra; Ban Lãnh đạo Hội luôn có sự thống nhất trong điều phối hoạt động; Khuyến khích sự năng động, tích cực của các đơn vị, cá nhân; Trách nhiệm của tập thể và cá nhân luôn cụ thể, rõ ràng; Lợi ích gắn với sự đóng góp, kết quả công việc, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong hệ thống các cấp Hội từ Trung ương tới các tỉnh, thành trong cả nước...".
Nhà báo Cảnh Chí Tuyên – Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phát biểu tham luận tại Đại hội
Đặc biệt, nhà báo Cảnh Chí Tuyên nhấn mạnh về vai trò của cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Điện tử Thương hiệu và Pháp luật: "... nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Hội Nghệ nhân & Thương hiệu Việt Nam, Tạp chí Điện tử Thương hiệu & Pháp luật đã thực hiện tốt vai trò là Cơ quan ngôn luận của Hội trong việc phản ánh kịp thời về đời sống Chính trị - Kinh tế - Xã hội của đất nước và mọi hoạt động của Hội. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật:
Một là, tuyên truyền hiệu quả về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam. Với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú và cách thức tuyên truyền sáng tạo, linh hoạt, đã kịp thời truyền tải, thông tin tới các hội viên, các tổ chức doanh nghiệp góp phần hiện thực hoá các nhiệm vụ đã đề ra.
Hai là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Hội, từ đó đã phản ánh sâu rộng, khắc họa sắc nét, phong phú những kết quả mà Hội đã đạt được. Đặc biệt, làm tốt công tác truyền thôngnhiều chương trình của Hội như: Hội chợ triển lãm “Tự hào Thương hiệu Việt Nam”; chương trình “Vinh quang trí tuệ bàn tay vàng, tự hào thương hiệu Việt Nam”; chương trình “Kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam, tôn vinh nữ hoàng thương hiệu…v.v.
Ba là, với tôn chỉ mục đích được giao, thông qua website: Thuonghieuvaphapluat.vn, Tạp chí còn là cầu nối giữa nghệ nhân, doanh nghiệp, và người tiêu dùng, tạo diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng đổi mới sáng tạo, và các câu chuyện thành công. Hỗ trợ quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, gắn với mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế xanh. Chia sẻ kiến thức pháp luật đến cộng đồng, giúp các hội viên và doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ và ứng dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật…
"Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội, Tạp chí đã và đang tích cực góp phần vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” bằng cách quảng bá văn hóa, thương hiệu, tuyên truyền và phổ biến mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Tạp chí không chỉ là tiếng nói của VATA mà còn là cầu nối giữa cộng đồng nghệ nhân với các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước, duy trì, bảo tồn và phát triển những tinh hoa của đất nước, cùng góp phần nhỏ bé vào chủ trương xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng...". Nhà báo Cảnh Chí Tuyên cho biết thêm.
Cũng trong chương trình Đại hội, Nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiếu - Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã có phần trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Nghệ nhân trong kỷ nguyên vươn mình" và tham luận của Th.S Nguyễn Thụy Oanh - Phó Chủ tịch Hội về những giải pháp hoạt động kinh tế để phát triển Hội.
Đoàn Chủ tịch đại hội gồm 11 thành viên tại Đại hội
Sau quá trình làm việc nghiêm túc, minh bạch và dân chủ, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành khóa III, nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 40 ủy viên Ban chấp hành. Ban thường vụ gồm 16 ủy viên; Ban kiểm tra gồm 03 đồng chí; Ban lãnh đạo Hội gồm 11 thành viên, trong đó: 01 chủ tịch, 03 phó chủ tịch chuyên trách, 06 phó chủ tịch không chuyên trách, 01 tổng thư ký.
Đại hội cũng đã thông qua Ủy viên Hội đồng Ban cố vấn Ban Chấp hành Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 07 thành viên.
Phát biểu ý kiến, chỉ đạo tại Đại hội, đại diện Bộ Nội vụ, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp, phụ trách theo dõi Tổng Hội, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Đồng thời, mong muốn Hội chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và đưa ra lộ trình rõ ràng, cụ thể để thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.
Nhân dịp này, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp cùng Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam tổ chức bình xét, tặng bằng khen, giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, doanh nhân và nghệ nhân có thành tích xuất sắc. Đây là các cá nhân, nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ, kim hoàn đá quý, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…đã có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam nói chung, cũng như Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật nói riêng.
Ra mắt BCH Hội Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Khép lại chương trình Đại hội, TS Lê Ngọc Dũng thay mặt Ban tổ chức gửi lời chúc mừng đến các tập thể, cá nhân và hội viên đã được tôn vinh trong chương trình, đồng thời khẳng định chương trình là một trong những cầu nối đưa thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng, góp phần củng cố niềm tin, giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng với hàng Việt Nam, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, gìn giữ, phát triển những ngành nghề truyền thống cha ông ta để lại và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả hơn.
Một số hình ảnh tại Đại hội:
Toàn cảnh Đại hội.
Cũng trong chiều 19/4, Ban Chấp hành khóa III đã tiến hành họp Ban Chấp hành lần thứ I (nhiệm kỳ 2025-2030).
Ban Chấp hành Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo.
Ban Chấp hành Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam khóa III cùng các đại biểu tại phiên họp lần thứ I (nhiệm kỳ 2025-2030)
Ban Kiểm tra Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam họp phiên thứ I (nhiệm kỳ 2025-2030)
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội.
Chương trình ca nhạc chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2025 - 2030.