Ngành thuế dự kiến cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính vào năm 2026
Năm 2026, ngành thuế dự kiến cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với năm 2024.
Ngành thuế đặt mục tiêu năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ngay thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Quang cảnh hội nghị. (ảnh: Cục thuế)
Năm 2026, cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với năm 2024; 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình.
Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo lấy ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuế do Cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức chiều ngày 21/4, tại Hà Nội.
Theo Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 9/3/2025 và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, đơn giản hóa quy định kinh doanh, cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, yêu cầu cải cách đối với các thủ tục thuế là rất cấp thiết do tính phổ biến, tần suất sử dụng cao và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định: Ngành thuế xác định cải cách TTHC thuế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do đó, Cục Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc.
Theo ông Minh, ngành thuế đã cắt giảm từ 304 thủ tục xuống còn 219, trong đó 134 thủ tục đã đạt mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, để tiếp tục cải cách, Cục Thuế sẽ đẩy mạnh điện tử hóa và tự động hóa; đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các cơ quan nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Bên cạnh đó, Cục thuế sẽ đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm hoàn thiện thể chế, song song với việc truyền thông và lấy ý kiến người dân, DN để cải tiến.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo. (ảnh: Cục thuế)
Phó Cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh: Cải cách TTHC thuế không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Ngành thuế đặt mục tiêu giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục và chi phí tuân thủ cho DN, đồng thời tăng tỷ lệ thủ tục được thực hiện điện tử toàn trình lên 100% trong giai đoạn 2025–2026.
Theo đó, ngành thuế tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Rà soát, chuẩn hóa thủ tục; điện tử hóa quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; đơn giản hóa thành phần hồ sơ, biểu mẫu và đẩy mạnh liên thông dữ liệu giữa các cơ quan.
"Ngành thuế sẽ tổ chức lấy ý kiến định kỳ, cập nhật các phản hồi để cải tiến liên tục", lãnh đạo Cục Thuế khẳng định.
Đại diện Cục Kiểm soát TTHC- Văn phòng Chính phủ đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ Tài chính- một Bộ có số lượng TTHC lớn nhất trong các bộ ngành. Việc Bộ Tài chính sớm triển khai rà soát toàn diện các thủ tục thuế là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm cải cách.
Theo định hướng của Chính phủ, năm 2025 là mốc quan trọng khi các bộ, ngành phải thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm 30% thời gian giải quyết và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Sang năm 2026, mục tiêu còn cao hơn: giảm 50% thời gian và chi phí tuân thủ so với năm 2024, bảo đảm 100% chế độ báo cáo được thực hiện điện tử, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây là những mục tiêu thách thức nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý đã cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành và địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng việc cải cách thủ tục thuế cần đi vào thực chất, có lộ trình rõ ràng, bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Một số đại biểu đề xuất ngành thuế cần đẩy mạnh tích hợp dữ liệu với các hệ thống của ngành tư pháp, công an, ngân hàng để khai thác hiệu quả thông tin, giảm yêu cầu kê khai lại cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Cục Thuế sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các thủ tục hiện hành. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.