Hưu trí xã hội cho người từ 75 tuổi: Cần 9.600 tỷ đồng mỗi năm cho 1,6 triệu người
Bắt đầu từ ngày 1/7 năm nay, khoảng 1,6 triệu người cao tuổi trên cả nước sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội với mức 500.000 đồng mỗi tháng, theo quy định mới trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và dự thảo nghị định hướng dẫn do Bộ Y tế xây dựng.
Từ ngày 1/7 năm nay, khoảng 1,6 triệu người cao tuổi sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội
Chính sách này hướng đến nhóm người cao tuổi không có lương hưu hoặc chưa từng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội định kỳ hàng tháng. Cụ thể: Người từ 75 tuổi trở lên, không nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH; người từ 70 đến dưới 75 tuổi, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, đồng thời không nhận lương hưu hay trợ cấp BHXH định kỳ.
Ngoài ra, với những trường hợp đang nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH nhưng dưới mức 500.000 đồng/tháng, có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ phần chênh lệch để được hưởng đủ mức tối thiểu này.
Theo ước tính, số người được hưởng trợ cấp từ 1/7/2025 gồm: 1,5 triệu người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu; 100.000 người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo/cận nghèo. Chính phủ dự kiến dành khoảng 9.600 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để triển khai chính sách này.
Dự kiến trong nửa cuối năm 2025, ngân sách cần chi khoảng 4.800 tỷ đồng, tương ứng với thời gian chính sách có hiệu lực từ tháng 7.
Người dân có nhu cầu nhận trợ cấp có thể nộp đơn đăng ký theo mẫu quy định tại UBND cấp xã nơi cư trú. Hồ sơ sau đó sẽ được Phòng Văn hóa - Xã hội và Công an cấp xã xác minh qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước khi trình Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định.
Trong 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, chính quyền xã sẽ ban hành quyết định chi trả và người dân bắt đầu được nhận trợ cấp hàng tháng kể từ thời điểm ký quyết định.
Nếu người thụ hưởng chuyển nơi cư trú, chính quyền nơi đi và nơi đến sẽ phối hợp để chuyển tiếp chính sách, đảm bảo quyền lợi liên tục. Trường hợp người hưởng trợ cấp qua đời, người thân lo hậu sự sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí mai táng.